Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit) hàng năm đã thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công đó, năm 2021, với mục đích đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ hậu Covid – 19; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và phát triển công nghiệp quốc gia, Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit tiếp tục được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến bởi IEC Group, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương cùng sự phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan.
Quy mô của Diễn đàn bao gồm: 1 Phiên Diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi lãnh đạo Đảng, Chính phủ; chuỗi 10 Phiên Hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực then chốt như: sản xuất, đô thị thông minh, năng lượng, ngân hàng, hạ tầng và chính phủ số, nông nghiệp, nhân lực & giáo dục đào tạo gắn với chuyển đổi số… Chuỗi 10 phiên Hội thảo chuyên đề, diễn ra từ ngày 9/11-18/11/2021, tập trung về các chủ đề: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… đã thu hút sự tham dự đông đảo đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương và địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế với tổng số 7.995 đại biểu tham dự theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề “Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về bối cảnh và các xu thế lớn của CNH – HĐH trên thế giới và trong khu vực, từ đó nhận diện và đưa ra những tư duy và tiếp cận mới về CNH, HĐH; học tập công nghệ, chính sách công nghiệp trên thế giới, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cũng như các kinh nghiệm quốc tế về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo định hình sự phục hồi hậu Covid-19; tổng quan báo cáo phát triển công nghiệp 2020 và những phân tích, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; cách thức phân phối nguồn lực nhằm tăng năng suất cho nền kinh tế, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH đất nước.
Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Phát triển sản xuất thông minh” đã mang lại cơ hội cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận, làm rõ về những vấn đề liên quan đến đẩy mạnh chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”, thúc đẩy toàn bộ các quy trình đổi mới sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, đẩy mạnh R&D trong sản xuất các thiết bị số, các thiết bị IoT tại Việt Nam.
Với chủ đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hội thảo chuyên đề 3 tập trung thảo luận và làm rõ những nội dung về sự cần thiết và vai trò của đô thị thông minh, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển một số mô hình đô thị thông minh đã được áp dụng thành công, ứng dụng công nghệ số trong quy hoạch và phát triển đô thị thông minh; từ đó đề xuất những giải pháp và kiến nghị về phát triển đô thị thông minh trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Trong khuôn khổ Hội thảo còn diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ Liên minh hợp tác công – tư phát triển Đô thị thông minh (i-Forum for Smart City). Tổ chức được thành lập với mục đích tăng cường quan hệ hợp tác trong xây dựng các đô thị thông minh, phát triển bền vững tại Việt Nam và khu vực.

Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới” tập trung phân tích các vấn đề về phát triển năng lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; những cơ hội, thách thức và kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi của các quốc gia trên thế giới và những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam. Các diễn giả cũng sẽ trình bày về xu hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng xanh gắn với những thành tựu về công nghệ; những giải pháp cuối vòng đời cho hệ thống điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam; ứng dụng thành tựu chuyển đổi số của EVN.
Hội thảo chuyên đề 5 với chủ đề “Phát triển các mô hình kinh doanh mới” phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về bối cảnh và các xu thế lớn của CNH – HĐH trên thế giới và trong khu vực, từ đó nhận diện và đưa ra những tư duy và tiếp cận mới về phát triển kinh tế số, những kinh nghiệm quốc tế, tận dụng nền tảng công nghệ để chuyển đổi số trong các ngành dịch vụ, ngành bất động sản, gọi xe công nghệ, số hóa nền thương mại nội địa bằng thương mại điện tử, các dịch vụ nội dung số và sự cạnh tranh với các nền tảng số xuyên biên giới… nhằm thúc đẩy sự phục hồi hậu Covid-19 trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt hội thảo cũng thảo luận chuyên sâu về thay đổi và phát triển các mô hình kinh doanh mới nhằm thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ và đề xuất những giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.
Hội thảo chuyên đề 6 với chủ đề “Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số” tập trung thảo luận, trao đổi và làm rõ các nội dung về đẩy mạnh phát triển Chính phủ số như: chia sẻ kinh nghiệm trong đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống trọng điểm quốc gia; triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ hỗ trợ chính phủ điện tử trong bình thường mới; điện toán vùng biên trong mô hình phát triển edge cloud trong giải pháp chính phủ số; giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho chính phủ điện tử và giải pháp nâng cao chỉ số chuyển đổi số của các địa phương.
Với chủ đề “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội”, Hội thảo chuyên đề 7 tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị về thúc đẩy phát triển hạ tầng thông minh từ chuyên gia World Bank; ứng dụng công nghệ số nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi kinh tế trong dài hạn tại Việt Nam từ chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); xây dựng hạ tầng kỹ thuật số phục vụ quá trình CNH, HĐH đất nước; giải pháp an toàn bảo mật cho thiết bị di động; dẫn đầu chuyển đổi số với hạ tầng ưu việt.
Hội thảo chuyên đề 8 với chủ đề “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số” tập trung phân tích, làm rõ những vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho quá trình chuyển đổi số – kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam; nhận diện những tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chuyển đổi lao động; hệ thống thông tin quản lý giáo dục – bước tiến hướng tới nền giáo dục 4.0 cũng như vấn đề về chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực số nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo chuyên đề 9 với chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn” đã phân tích, làm rõ những vấn đề về phát triển chuỗi giá trị trái cây tại Việt Nam thông qua ứng dụng nền tảng kỹ thuật số; canh tác thông minh – từ ý tưởng đến hiện thực; nhận diện những vấn đề hướng tới nền nông nghiệp phát thải thấp nhìn từ vai trò của công nghệ số; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá chất lượng thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam và những chia sẽ kinh nghiệm triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng.
Hội thảo chuyên đề 10 với chủ đề “Phát triển ngân hàng thông minh” đã thảo luận và làm rõ những nội dung về bối cảnh phát triển ngân hàng thông minh trên thế giới và trong khu vực, sự cần thiết của việc chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thông minh, các chiến lược và giải pháp toàn diện thúc đẩy phát triển ngân hàng thông minh từ các ngân hàng thương mại tiêu biểu; các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin cho ngân hàng thông minh từ sự chia sẻ của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp & dịch vụ thanh toán để từ đó đề xuất những giải pháp và kiến nghị về phát triển ngân hàng thông minh trong quá trình thực hiện CNH – HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Diễn đàn, hoạt động Triển lãm thực tế ảo về các mô hình, sản phẩm, công nghệ 4.0, kết quả chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực của Việt Nam cũng được diễn ra trong suốt thời gian tổ chức Diễn đàn. Triển lãm đã mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp tiêu biểu về nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các công nghệ số.
VỀ IEC GROUP:
IEC Group là công ty hàng đầu trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ marketing và tư vấn. Trong những năm qua, chúng tôi tự hào đã xây dựng, phát triển và tổ chức thành công nhiều hội thảo và triển lãm uy tín, phục vụ khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, tăng cường kết nối cũng như cập nhật các kiến thức và thông tin mới nhất về tình hình thị trường, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, tận dụng lợi thế trong việc tổ chức các hội nghị thường niên quy mô lớn, chúng tôi cung cấp dịch vụ tổ chức sự kiện được thiết kế riêng theo yêu cầu của khách hàng với cam kết mang lại kết quả và giá trị tốt nhất. Hơn thế nữa, với chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong ngành cùng mạng lưới quan hệ sâu rộng với các đối tác là cơ quan chính phủ, hiệp hội, tổ chức quốc tế; IEC Group không ngừng phát triển và mở rộng các dịch vụ marketing & tư vấn, kết nối khu vực công – tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường hợp tác và đầu tư, phát triển kinh doanh tại Việt Nam.